Bác sĩ Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Nạo phá thai tuổi vị thành niên – hiểm họa khó lường
Người ở tuổi vị thành niên nếu mang thai sẽ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của chính mình và đứa trẻ. Còn nếu nạo phá thai thì độ rủi ro cho sức khỏe sinh sản càng lớn.
Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có 1,2 – 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Có những sản phụ chỉ mới 12 tuổi. Còn điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam cho thấy 7,6% trong độ tuổi này có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Đó là chưa kể tới rất nhiều ca nạo phá thai tại những cơ sở y tế tư nhân nhưng không thể kiểm soát và thống kê được.
Những con số trên đã phản ánh một thực tế là hiện nay nhiều bạn gái trẻ thiếu kiến thức cơ bản về tình dục, các biện pháp phòng tránh thai cũng như các bệnh lây qua đường tình dục. Chính điều này đã dẫn đến những hậu quả nặng nề về tâm lý cũng như thể chất khi các bạn trẻ có thai ngoài ý muốn.
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
PV: Xin bác sĩ cho biết những biến chứng có thể gặp phải khi nạo phá thai ở tuổi vị thành niên?
BS Vũ Bá Quyết: Việc nạo phá thai đặc biệt là nạo phá thai ở tuổi vị thành niên rất dễ dẫn đến các tai biến như: chảy máu, viêm nhiễm mạn tính ở tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng. Có trường hợp, hậu quả còn nghiêm trọng hơn là tắc ống dẫn trứng, dính tử cung khiến nhiều người mất đi thiên chức làm mẹ về sau. Và tác hại của việc nạo phá thai thường không an toàn, nhất là phá thai tại các phòng khám tư nhân không đảm bảo kỹ thuật y tế dễ gặp phải tai biến như băng huyết, thủng tử cung, sót nhau, sót thai, nhiễm khuẩn và có thể bị tử vong. Hoặc nếu sinh con, có thể gặp tai biến như: đẻ non, chết mẹ, chết con hoặc những đứa trẻ chào đời có thể bị dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng và chậm phát triển trí não. Ngoài ra, việc người chưa thành niên sinh con ngoài ý muốn cũng làm tổn thương sâu sắc, lâu dài về tinh thần cho bản thân.
PV: Việc lạm dụng phá thai có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe sinh sản của tuổi vị thành niên, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Vũ Bá Quyết: Độ tuổi sinh đẻ lý tưởng nhất của phụ nữ là từ 21 – 35. Lúc này cơ thể người phụ nữ đã hoàn thiện, tâm lý ổn định, sẵn sàng đảm nhận quyền làm mẹ và đứa trẻ cũng khỏe mạnh. Song, thực tế hiện nay, không ít trường hợp đã mang thai ở tuổi vị thành niên (từ 10 – 19 tuổi) và chính việc mang thai khi tuổi đời còn quá trẻ là một trong những nguyên nhân dẫn đến những ảnh hưởng khó lường về sức khỏe sinh sản sản sau này.
Ảnh hưởng đầu tiên đó là khoang tử cung bị dính liền. Nếu nạo hút quá mức, lớp đáy màng trong tử cung bị tổn thương, mặt tổn thương đó có thể dính liền lại với nhau sẽ làm ảnh hưởng đến sự vận hành của tinh trùng và làm cho trứng đã thụ thai khó cắn vào, do đó hậu quả thường thấy nhất là không thụ thai được, nếu có thì cũng dễ sảy thai, dẫn đến sự thay đổi về kinh nguyệt.
Vô sinh có tính kế phát. Sau khi nạo phá thai, không thụ thai lại được nữa, ngoài nguyên nhân dính khoang tử cung đã nói trên, còn có khả năng do ống dẫn trứng bị viêm. Khi làm thủ thuật bị viêm nhiễm, chứng viêm có thể từ nội mạc tử cung lan sang ống dẫn trứng, làm cho khoang ống dẫn trứng bị dính, gây ra tắc. Khi ống dẫn trứng tắc lại do miệng ống dẫn trứng bịt lại, đều cản trở tinh trùng và trứng gặp nhau, tất nhiên không thụ thai được.
Sảy thai hoặc đẻ non. Khi nạo phá thai, nhất là khi nạo, phải dùng đến kìm để lấy thai ra, nếu miệng cổ tử cung bị dụng cụ nới rộng làm rách, thì sau đó, hễ có thai là sau 12 tuần sẽ kết thúc bằng sảy thai.
Nhau thai dính vào. Khi tử cung bị nạo quá sâu hoặc bị nạo hút nhiều lần, nội mạc tử cung bị tổn thương và teo lại. Kết quả là sau khi sinh con, bộ phận nhau thai dính liền hoặc cấy sâu vào thành tử cung sẽ không thể bong ra được, ảnh hưởng đến sự thu co tử cung, hốc hõm máu ở thành tử cung chỗ bóc tách ra đó mở rộng ra sẽ gây xuất huyết nhiều.
Nguồn: internet